Tìm nơi ăn chốn ở cho con khi du học là một trong những trăn trở lớn của các bậc phụ huynh. Đặc biệt là với các bé đi du học trung học. Ở New Zealand, homestay là lựa chọn phổ biến dành cho du học sinh dưới 18 tuổi nếu không có người thân làm giám hộ. Trong bài viết này, Koru Education sẽ cung cấp cho ba mẹ mọi điều cần biết về hình thức homestay cho du học sinh trung học tại New Zealand. Ba mẹ cùng theo dõi nhé!
Tìm hiểu về loại hình homestay cho du học sinh tại New Zealand
Homestay là hình thức nhà ở phổ biến khi du học, nơi học sinh sẽ sống và sinh hoạt cùng gia đình bản xứ. Đây là cách tuyệt vời để ổn định cuộc sống ở một môi trường mới.
Tại New Zealand, mỗi gia đình hoặc hộ gia đình có thể nhận tối đa 4 học sinh.
Học sinh trung học (dưới 18 tuổi) bắt buộc phải ở homestay do trường chỉ định trong trường hợp không có người thân làm giám hộ ở New Zealand. Trường sẽ nhận đơn đăng ký từ học sinh. Sau đó tiến hành tìm nhà bản xứ phù hợp với các yêu cầu của phụ huynh và học sinh.
Sống chung với nhà bản xứ – “Tưởng không lợi mà lợi không tưởng”
Con sẽ có gia đình thứ hai để nương tựa
Với bản tính thân thiện và hiếu khách của người New Zealand, sống chung với nhà bản xứ mang đến cho học sinh cảm giác như đang sống trong gia đình.
Họ xem bé như một thành viên trong gia đình để đưa ra những lời khuyên hữu ích từ vấn đề cá nhân cho đến sự an toàn của con:
- Những khu vực nào trong thành phố nên tránh?
- Hành vi nào có thể khiến con gặp rắc rối nghiêm trọng?
Họ sẵn sàng trả lời hàng tá câu hỏi khi con mới đến còn nhiều bỡ ngỡ. Chẳng hạn như:
- Con có thể đón xe buýt đến trường ở đâu?
- Mua sắm đồ dùng cần thiết ở đâu?
- Có địa điểm tham quan nổi tiếng nào trong thành phố mà con có thể ghé thăm?
Thậm chí, có nhiều trường hợp, học sinh thân với gia đình host đến mức họ sẽ giới thiệu bé với những người hàng xóm xung quanh. Hoặc, giới thiệu với những người thân khác trong gia đình họ. Và bé sẽ có thêm nhiều mối quan hệ hữu ích.
Homestay cho du học sinh – Cơ hội lý tưởng để đắm mình trong ngôn ngữ tiếng Anh
Nếu như ở với người thân bé còn có thể sử dụng tiếng Việt thì khi ở homestay, bé phải hoàn toàn sử dụng tiếng Anh. Điều này sẽ giúp bé cải thiện khả năng giao tiếp ngôn ngữ này một cách nhanh chóng.
Ba mẹ không cần lo lắng nếu tiếng Anh của bé chưa tốt. Vì gia đình bản xứ cũng hiểu được những rào cản ngôn ngữ ban đầu nên họ thường giao tiếp chậm rãi để bé có thể từ từ thích nghi.
Ngoài ra, họ cũng khuyến khích học sinh giao tiếp nhiều hơn với họ mỗi ngày. Điều này vừa giúp họ hiểu thêm về con vừa giúp con nâng cao khả năng tiếng Anh của mình.
Hơn nữa, ngay cả khi bé có điểm IELTS tốt thì đôi khi cũng sẽ gặp khó khăn với những từ vựng mới mà bé chưa gặp bao giờ. Lúc này, gia đình host có thể hướng dẫn cho con, giúp con nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở New Zealand hơn.
Cải thiện kỹ năng giao tiếp, trình bày suy nghĩ
Lối tư duy của người phương Tây khác rất nhiều so với người Á Đông. Nếu phương Tây có xu hướng bộc lộ thẳng thắn quan điểm của bản thân trong mọi việc thì người Á Đông lại e ngại khi bày tỏ suy nghĩ thật của mình.
Tuy nhiên, khi sống chung với gia đình host, bé sẽ luôn được khuyến khích bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình. Tất nhiên, chẳng có sự phê phán đúng hay sai nào ở đây cả. Đó là suy nghĩ của bé và họ luôn tôn trọng điều đó. Dần dần, bé sẽ cảm thấy tự tin hơn khi trình bày ý kiến của bản thân.
Biết chăm sóc bản thân tốt hơn
Văn hóa phương Tây là luôn khuyến khích trẻ làm mọi thứ một mình. Vì vậy, chắc chắn sẽ không có chuyện gia đình host giúp bé dọn phòng, sắp xếp giường,… mà tất cả đều phải do bé tự làm.
Dù ở Việt Nam, ba mẹ có thương và chiều chuộng con đến mức nào thì khi đi du học con cũng phải trưởng thành.
Vả lại, con sống chung với gia đình người ta chứ không phải ở khách sạn hay đơn giản chỉ là thuê nhà nên cũng cần có trách nhiệm như một thành viên trong gia đình như dọn dẹp ngăn nắp phòng của mình, sắp xếp giường gối sau khi ngủ dậy,…
Chính nhờ vậy, mà dần dần con sẽ sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh hơn.
Học thêm về văn hóa bản địa
Sống cùng gia đình bản xứ là cách rất chi hiệu quả để bé nhanh chóng hòa mình vào nền văn hóa mới. Họ sẽ chỉ con cách chuẩn bị các món ăn truyền thống của New Zealand. Hay, cùng họ chào đón những ngày lễ đặc biệt trong năm. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ sẽ giúp bé phần nào hiểu được về văn hóa và phong cách sống.
Ngoài ra, người New Zealand thường rất hăng hái trong các hoạt động thể thao, dã ngoại, du lịch dài ngày. Và họ sẵn lòng mời học sinh tham gia cùng gia đình họ. Hơn nữa, một vài gia đình còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Đây sẽ là cơ hội tốt để bé hòa nhập với cộng đồng người bản xứ cũng như hiểu biết thêm về văn hóa xứ sở Kiwi.
Yêu cầu để đăng ký homestay cho du học sinh ở New Zealand
Nếu ba mẹ chưa biết thì New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới có Bộ quy chế bảo trợ và chăm sóc du học sinh. Bộ quy chế này nhằm mục đích đảm bảo du học sinh được:
- Cung cấp đầy đủ thông tin
- Đảm bảo an toàn
- Chăm sóc tận tình
Và các trường ở New Zealand cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn trong Bộ quy chế này.
Để đăng ký cung cấp dịch vụ homestay cho du học sinh thành công, chủ nhà (host) phải đảm bảo:
- Nhà mình có phòng riêng cho du học sinh với đầy đủ các vật dụng cần thiết như:
- Giường
- Bàn học
- Tủ quần áo,…
- Chủ nhà có đầy đủ kỹ năng và kiến thức để chăm sóc cho học sinh quốc tế.
Đặc biệt là, các thành viên trong gia đình bản xứ đều phải được cảnh sát kiểm tra lý lịch, nhân phẩm. Điều này nhằm đảm bảo không có bất kỳ người nào có tiền án, tiền sự.
Vì thế, không phải gia đình bản địa nào tại New Zealand cũng có thể đăng ký trở thành homestay.
Và trong thời gian học sinh lưu trú ở homestay, nhà trường sẽ ghé thăm ít nhất hai lần trong năm nhằm giám sát tình hình của học sinh.
Trước khi con chính thức đặt chân đến New Zealand, trường sẽ gửi mẫu thông tin về các yêu cầu hoặc mong muốn dành cho nhà host. Chẳng hạn như, con bị dị ứng với lông chó, mèo nên tìm kiếm gia đình không có vật nuôi,…
Trường sẽ sắp xếp homestay cho học sinh hay phụ huynh phải tự liên hệ?
Trường sẽ là bên sắp xếp gia đình homestay cho học sinh. Khi ghi danh nhập học, học sinh sẽ điền vào bảng bảng thông tin các yêu cầu và mong muốn về nhà host. Ví dụ như:
- Nhà host có thú nuôi hay không? (Do nhiều bé bị dị ứng với lông chó, mèo,…)
- Nhà host thường nấu món Âu, Á,… hay không?
Trường sẽ dựa vào đó để tìm homestay phù hợp với yêu cầu của phụ huynh và học sinh.
Trường hợp homestay không phù hợp với học sinh thì như thế nào?
Thậm chí khi nhà host đáp ứng đúng các yêu cầu thì cũng sẽ có vài vấn đề nho nhỏ phát sinh. Nó có thể liên quan đến sự khác biệt về thói quen, sở thích của học sinh và nhà host. Trong trường hợp này, nhà trường sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa để bé chuyển sang gia đình homestay khác.
Tuy nhiên, Koru Education vẫn khuyến khích các bé cố gắng “nhập gia tùy tục”. Hãy dung hòa thói quen, sở thích của mình với gia đình bản xứ. Tránh trường hợp đổi nhà và làm quen mọi thứ lại từ đầu.
Chi phí homestay cho du học sinh tại New Zealand
Homestay được sắp xếp bởi trường. Và tùy vào từng trường mà chi phí này sẽ khác nhau. Trung bình từ NZ$330 – NZ$350/tuần. Chi phí này thường đã bao gồm bữa ăn cho học sinh.
Ngoài ra, ba mẹ có thể tham khảo thêm chi phí chuẩn bị hồ sơ du học New Zealand tại đây. Để tư vấn chính xác nhất về mức phí, ba mẹ hãy liên hệ đội ngũ tư vấn viên của Koru Education nhé.
Làm sao để chung sống hòa hợp với gia đình nhà bản xứ?
Khi mới sống cùng những người xa lạ, việc cảm thấy không thoải mái là điều khó tránh. Tuy nhiên, bé phải cố gắng vượt qua trạng thái đó và kết nối với gia đình bản xứ của mình. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho học sinh. Koru Education hy vọng bé có thể áp dụng và nhanh chóng hòa nhập với gia đình mới.
Chuẩn bị một món quà gặp mặt
Quà tặng cho lần gặp mặt đầu tiên sẽ giúp khoảng cách giữa bé và gia đình bản xứ xích lại gần nhau hơn. Ba mẹ không cần chi nhiều tiền cho món quà. Đơn giản chỉ cần mua những món lưu niệm đặc trưng của Việt Nam như nón lá để tặng là họ đã cảm thấy rất vui rồi.
Tôn trọng nội quy trong nhà
Gia đình nào cũng có những nội quy riêng. Vì vậy, là một thành viên trong nhà, bé cần phải chấp hành nghiêm chỉnh.
Ví dụ, bữa ăn tối bắt đầu vào lúc 7 giờ, bé cần sắp xếp phần việc của mình để ngồi vào bàn ăn đúng giờ. Nếu bé có việc, không ở nhà dùng bữa thì phải báo trước cho gia đình host biết. Hoặc, nếu đi chơi với bạn, lỡ xe buýt nên về nhà muộn cũng cần thông báo cho họ biết. Vì dù họ không phải người thân ruột thịt của bé nhưng họ vẫn lo lắng cho sự an toàn của bé.
Chấp nhận sự khác biệt
Bé sẽ cần làm quen với những món ăn mới, các nội quy không giống như ở nhà,…
Hãy nhớ rằng sự khác biệt chính là một phần trong trải nghiệm du học. Nó giúp bé mở rộng tầm nhìn, trở thành một người cởi mở và trưởng thành hơn.
Ngoài ra, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, bé không nên so sánh nhà host hiện tại với gia đình nhà host khác. Họ sẽ cảm thấy bị tổn thương vì những lời so sánh đấy.
Điều chỉnh cách ứng xử phù hợp
Bé không phải đang ở khách sạn và host không phải người giúp việc. Do đó, bé cần cư xử như một thành viên gia đình thực thụ:
- Giữ phòng ốc sạch sẽ
- Sử dụng bát đĩa xong thì rửa lên
- Hay giúp host mang đồ từ xe vào nhà
Nếu sử dụng chung nhà tắm thì bé không được chiếm dụng nó vì những thành viên khác trong gia đình cũng cần dùng. Ngoài ra, bé không nên mời bạn bè hoặc khách đến ngủ qua đêm. Và chỉ mời họ đến dùng bữa tối khi có sự đồng ý từ host.
Nói chung, bé hãy cố gắng cư xử tốt nhất. Luôn nói “Xin vui lòng” khi cần sự trợ giúp và cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ.
Trao đổi cởi mở với gia đình bản xứ
Bé bị dị ứng với đậu phộng hay không thích ăn hải sản? Hãy trao đổi trực tiếp với host để họ nắm được tình hình. Tất nhiên, họ cũng đã biết những thông tin cơ bản về bé qua hồ sơ nhưng có thể chưa đầy đủ. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Hơn nữa, bé cũng nên trao đổi cởi mở với gia đình bản xứ về sở thích ẩm thực hoặc vài hạn chế trong chế độ ăn. Tránh tình trạng khi ngồi vào bàn ăn, bé không ăn mà cứ chọc ngoáy thức ăn của mình. Điều này có thể khiến những người có mặt trên bàn cảm thấy không thoải mái.
Hòa mình vào các hoạt động cùng gia đình bản xứ
Bé không đi 9.158km chỉ để suốt ngày ở trong phòng và liên tục bấm điện thoại của mình. Ngoài thời gian học, hãy dành thời gian còn lại để tham gia các hoạt động hằng ngày của gia đình host như:
- Đi siêu thị cuối tuần
- Tập thể dục buổi sáng hay
- Đi leo núi vào cuối tuần.
Nó sẽ là trải nghiệm tuyệt vời, cho phép bé thực hành kỹ năng tiếng Anh và tìm hiểu về một nền văn hóa mới.
Tôn trọng những thành viên khác trong nhà
Khi tham gia các buổi họp mặt hay thời gian quây quần trong nhà, bé cần lắng nghe và tập trung khi mọi người nói chuyện. Lưu ý, không nên bấm điện thoại hoặc sử dụng laptop khi trò chuyện cùng gia đình host.
Bé nên thể hiện bản thân thực sự lắng nghe bằng cách đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến đóng góp.
Chia sẻ của phụ huynh và học sinh khác khi du học ở homestay tại New Zealand
Chia sẻ của phụ huynh khi cho con ở homestay
Chị Hường, mẹ của Tuấn Minh – theo học tại trường Avondale College cho hay:
“Ông bà host đối xử với con mình rất tốt từ chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho đến việc học hành. Ông bà rất niềm nở khi các bạn Việt Nam của con đến thăm nhà. Họ còn tư vấn cho con khi con muốn chuyển từ hệ NCEA sang chương trình Cambridge. Ngoài ra, ông bà còn dành thời gian đến xem con tham gia kỳ thi âm nhạc, đưa đi đá bóng,… Mình có cảm giác như họ thay vợ chồng mình làm tất cả cho con vậy.”
Chia sẻ của các bạn học sinh về nhà host
Bạn Việt Anh – Du học sinh tại Auckland Grammar School – chia sẻ:
“Nhà host của mình rất thân thiện. Mình vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến đây. Bằng nụ cười thân thiện, họ chào đón mình như một thành viên của gia đình. Họ xóa tan những cảm giác bỡ ngỡ ban đầu. Có lần mình trượt ván và bị té ngã, họ không ngần ngại đưa mình đến bệnh viện. Và, họ chờ mình ở đó. Họ đã lo lắng và chăm sóc mình chẳng khác nào ba mẹ ruột vậy.”
Bạn Gia Huy – Du học sinh tại trung học Green Bay cũng chia sẻ về trải nghiệm khi ở homestay như sau:
“Đi du học đã giúp mình có thêm nhiều mối quan hệ. Trong đó, đặc biệt nhất là mối quan hệ với gia đình homestay của mình. Mỗi thành viên trong gia đình đều có một tính cách khác nhau. Nhưng, tất cả đều có điểm chung là xem mình như một thành viên thực thụ trong nhà. Điều này khiến mình cảm giác như đang ở cùng với người thân vậy.
Gia đình homestay của mình có thói quen đi ngủ vào lúc 9 giờ tối. Có lần mình đi chơi về muộn, bác chủ nhà sợ mình quên chìa khóa nên ngồi chờ mình đến tận khuya. Mình thật sự vô cùng cảm kích sự nhiệt tình của gia đình homestay mình đang ở.”
Tóm lại
Ba mẹ thấy đấy, homestay cho du học sinh là hình thức vô cùng hữu ích để giúp bé nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập mới. Nếu ba mẹ có định hướng cho con đi du học trung học New Zealand, đừng bỏ lỡ chương trình học bổng chính phủ New Zealand bậc trung học (NZSS) trị giá 50% học phí nhé! Thời hạn tham gia học bổng là: 17.03.2024.
Ngoài ra, ba mẹ có thể tham khảo thêm danh sách học bổng trung học New Zealand 2024 từ các trường.