Học sinh Koru chia sẻ trải nghiệm học tại University of Waikato
Trải nghiệm học tập tại University of Waikato

Trịnh Thục Hương Dung là sinh viên của Koru Education, đang theo học chương trình Thạc sỹ Quản Lý Giáo Dục tại University of Waikato, New Zealand.

Với sự hỗ trợ của Koru Education, chị đã được nhận vào chương trình có tỉ lệ cạnh tranh cao và được cấp visa đến New Zealand vào tháng 2/2020. Thời điểm ngay trước khi đất nước đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid. Trong bài viết này, chị Dung sẽ chia sẻ trải nghiệm và thử thách của bản thân trong thời gian sống và học tập ở nước ngoài.

Buổi trò chuyện giữa Koru Education và chị Dung

Chào chị, chị hãy giới thiệu một chút về bản thân mình

Mình tên là Dung, năm nay 37 tuổi là sinh viên năm cuối khóa cao học Quản Lý Giáo Dục (Master of Educational Leadership – EDL) tại đại học Waikato (University of Waikato), New Zealand.

Cơ duyên nào khiến chị quyết định chọn New Zealand và Đại học Waikato?

Tôi đã cân nhắc đến Canada và NZ. Tuy nhiên phía Canada khi xem xét bằng cấp và kinh nghiệm của tôi thì họ đề nghị tôi học chương trình bổ sung trước khi vào học MA. Do hệ thống chuyển đổi bằng cấp của họ đánh giá tôi không đủ điều kiện học Cao Học. Tổng thời gian học kéo dài đến 3.5 năm với mức học phí ngoài khả năng của tôi.

Trong khi đó, bên phía trường University of Waikato ở NZ lại chấp nhận tôi vào thẳng chương trình Thạc sỹ sau khi xét duyệt thư giải trình về chuyên môn và kinh nghiệm. Tôi lựa chọn NZ phần lớn là do tôi muốn tìm một quốc gia có môi trường thiên nhiên trong lành, bằng cấp có giá trị cao nhưng học phí vẫn nhẹ nhàng trong khả năng cá nhân.

Yếu tố gì khiến chị quyết định chọn chương trình Thạc sỹ quản lý giáo dục (Master of Education) để theo học?

Trước đây tôi là giáo viên nhưng sau đó chuyển ngành sang thẩm định rủi ro bảo hiểm trong khoảng 13 năm. Tôi vẫn muốn tìm cơ hội để làm việc trong ngành giáo dục nên đã quay lại trường học để bổ sung kiến thức.

Tuy nhiên với kinh nghiệm làm việc với các trường học trong vấn đề bảo hiểm chuyên môn và trách nhiệm, tôi phát hiện ra rằng các trường học ở Việt Nam gặp vấn đề khó khăn khi cần dung hòa nhu cầu cạnh tranh thị trường, và chất lượng giáo dục.

Khó khăn từ kinh tế thị trường và hệ thống giáo dục cũ đã làm cho đại bộ phận giáo viên cảm thấy chán nản, cũng như niềm tin của phụ huynh và học sinh về chất lượng giáo dục ngày một giảm. Vì vậy, tôi quyết định chọn EDL để có cơ hội được nghiên cứu kĩ hơn về khía cạnh trên.

>>> Du học New Zealand nên chọn ngành học nào?

Chị đã hòa nhập với môi trường bên đó như thế nào trong những ngày đầu tiên? Những mặt thuận lợi và khó khăn khi sống ở một đất nước mới là những gì?

Thật sự tôi không gặp khó khăn gì trong vấn đề hòa nhập vào môi trường ở NZ ngay cả những ngày đầu tiên. Tôi nghĩ rằng đó là một sự may mắn khi tôi có các yếu tố sau:

Tôi là một người trưởng thành, đã đi làm nhiều năm, đi nước ngoài khá nhiều do vậy tôi tự tin trong giao tiếp và tiếp nhận văn hóa mới.

NZ là một quốc gia thân thiện. Chỉ cần bạn mở lời hỏi giúp đỡ, bạn sẽ không gặp sự từ chối. Cái họ cần là sự chân thật, bạn thật sự cần gì và muốn được hỗ trợ ra sao. Khi bạn có thể nói rõ, hầu như mọi người sẽ giúp bạn. Ngay cả một đứa bé, cũng sẽ nắm tay dẫn bạn đến trạm xe buýt. 

Khả năng giao tiếp ngoại ngữ là yếu tố cần thiết giúp bạn tự tin hòa nhập. Đừng mang tâm lý sang NZ rồi học giao tiếp sau. Thực tế, bạn nên trang bị cho mình trình độ giao tiếp tiếng Anh ở mức khá trước khi sang học ở NZ.

Biết lái xe, cũng là một lợi thế. Hệ thống bus ở NZ khá phong phú tại các thành phố lớn nhưng ở những thành phố nhỏ hơn như Hamilton thì khá hạn chế. Nếu muốn tận hưởng vẻ đẹp NZ khi đang học thì nên học lái xe trước khi qua NZ nhé.

Học sinh Koru chia sẻ trải nghiệm học tại University of Waikato
Dung và các thành viên trong một dự án của Đại học Waikato

Chị cảm nhận gì về sự khác biệt giữa giáo dục ở New Zealand và giáo dục ở Việt Nam?

Giáo dục NZ đòi hỏi tư duy phản biện mạnh mẽ. Tất cả lý thuyết hay sách giáo khoa đều có thể bị phản biện.

Họ để sinh viên tin rằng, không có cái gì là đúng nhất, không có gì là tuyệt đối và mọi thứ đều có thể phản biện bởi tư duy cá nhân. Đây là điểm tôi cực kỳ thích khi tiếp xúc với giáo dục NZ. Ngoài những ngành khoa học kỹ thuật kết có quả nghiên cứu thực nghiệm, có đáp án cụ thể như toán, sinh, lý, tin học.

Những ngành khoa học xã hội đều thiên về phát huy tính tư duy phản biện. Bạn cũng là một học giả và bạn có thể tự mình tạo ra một lý thuyết cho chính bạn nếu có đủ cơ sở biện chứng.

Hỗ trợ nào của University of Waikato dành cho sinh viên quốc tế mà chị ấn tượng nhất? Và đặc biệt trường có hỗ trợ gì cho sinh viên mùa Covid không ạ?

Thật ra hệ thống của trường rất hoàn thiện, nếu bạn là sinh viên của trường thì sẽ nhận được sự hỗ trợ từ tất cả các khâu từ sức khỏe, y tế, nơi ở, di chuyển, bảo hiểm. Trong thời gian covid, trường hỗ trợ sinh viên 8 tuần miễn chi phí ăn ở ký túc xá.

Theo chị, với những kiến thức chị đã và đang học tại University of Waikato sẽ giúp ích được gì cho sự phát triển trong công việc tương lai của mình?

Thật ra hiện tại tôi chưa biết cụ thể là mình sẽ làm việc gì sau khi quay trở lại Việt Nam. Tôi muốn đi dạy và cũng muốn áp dụng kiến thức của mình để phát triển đội nhóm giảng dạy hoặc rộng hơn là sẽ đổi mới môi trường giảng dạy mà tôi tham gia trong tương lai.

Tuy nhiên, tôi sẽ phải đi từ những bước thấp nhất để xây dựng nền tảng kinh nghiệm. Với những môn học tôi đã học từ trường Waikato, tôi tự tin mình đủ khả năng chia sẻ lại cho sinh viên và cộng sự nếu họ quan tâm đến lĩnh vực này. Đây cũng là chuyên ngành mới được trường ĐH Sư Phạm đưa vào giảng dạy trong năm 2021, tôi hy vọng có cơ hội thử sức để tham gia giảng dạy chuyên ngành này.

Được biết New Zealand là một trong những đất nước chống dịch tốt nhất thế giới, tuy vậy cũng không tránh khỏi việc chị bị ảnh hưởng ít nhiều bởi Covid. Chị có thể chia sẻ những khó khăn và cách vượt qua như thế nào không ạ?

Khó khăn duy nhất là việc xa gia đình ngoài ý muốn ảnh hưởng đến tinh thần của tôi trong thời gian đầu. Vì dự định ban đầu của tôi là sẽ cùng chồng mình sang New Zealand (tôi đi học, anh đi làm). Do Covid nên tôi chỉ có thể ở NZ một mình để hoàn thành khóa học trong suốt 2 năm và sau đó về lại Việt Nam.

Có thể nói, đây là một thử thách cá nhân vì tôi cũng chỉ vừa kết hôn không lâu trước khi sang NZ học tập.

Tuy nhiên, nếu cân nhắc giữa thách thức và những gì đã phải bỏ ra cho cơ hội qua NZ học tập, tôi vẫn phải kiên trì đến cùng với mục tiêu là hoàn thành khóa học và có được bằng cấp trước khi quay về VN. Không thể dừng lại giữa chừng.

Hơn nữa, tôi là người có suy nghĩ khá tích cực lạc quan. Do vậy, Covid thật sự cũng không gây ảnh hưởng gì nhiều đến việc học tập của tôi. Mọi thách thức hay trở ngại đều là tự do bản thân chúng ta nhìn nhận, nếu bạn cảm thấy nó nhỏ, thì nó quả thật không đáng kể.

Vậy nên, chuẩn bị tinh thần vững vàng là một điều kiện quan trọng nếu bạn muốn sống và học tập tại một quốc gia khác ngoài Việt Nam. Và đừng quên rèn luyện sức khỏe để có một cơ thể khỏe mạnh.

University Of Waikato - Đại học Waikato

Ngoài việc học, em được biết chị còn tham gia rất nhiều hoạt động khác của trường.

Chị có thể chia sẻ một số hoạt động mà mình đã tham gia và nghĩ rằng có ích cho việc nâng cao, cũng như tích lũy kinh nghiệm cho bản thân không ạ?

Vâng, đúng vậy. Tôi yêu thích tham gia các hoạt động của nhà trường vì tôi muốn tìm hiểu cách họ tổ chức và phát triển các đội nhóm, thậm chí cá nhân như thế nào. Thật ra trường đại học là một xã hội thu nhỏ. Tất cả các nhóm, các club tôi tham gia đều như một tổ chức thu nhỏ, có cấp bậc, có vai trò và trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên.

Tôi là Thủ quỹ của Waikato University Teaching Association. Do vậy tôi phải làm việc với ngân hàng, theo dõi thu chi và báo cáo với nhóm ngân sách, kế hoạch và tài chính cho các hoạt động mà nhóm lên kế hoạch.

Chúng tôi cũng phải lập ra các chương trình và sự kiện, hoạch định chi phí để xin nhà trường cung cấp quỹ hoạt động. Nếu bạn đã từng đi làm, bạn sẽ nhận thấy các công tác trên cũng quen thuộc như những công việc mà bạn làm cho công ty của mình. Nó thật sự cung cấp cho sinh viên kinh nghiệm làm việc thực tế và cả kỹ năng giao tiếp cũng như xử lý tình huống.

Ngoài ra, tôi còn tham gia là trợ giảng cho chương trình hỗ trợ sinh viên quốc tế (Mentor Program For International Student). Công việc chính của chúng tôi là thiết kế nội dung workshop, quảng cáo và kêu gọi sự tham gia của các sinh viên, khuyến khích họ đóng góp ý tưởng, khảo sát ý kiến để phát triển nội dung.

Trong quá trình làm việc, chúng tôi thường phải làm việc nhóm, và trình bày ý tưởng với các giáo sư trước khi tổ chức workshop. Nhờ vậy, kỹ năng trình bày và làm việc nhóm thật sự được nâng cao hơn rất nhiều.

Hơn nữa, chương trình này còn giúp tôi tiếp cận với nhiều sinh viên quốc tế đến từ các nước khác nhau, giúp tôi có cái nhìn rõ hơn về nhu cầu học ngoại ngữ của các nước. Và tôi tin rằng, rất cả những kinh nghiệm trên sẽ rất có ích cho nghề nghiệp của tôi sau này.

Bên cạnh các hoạt động liên quan tới University of Waikato, chị sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình như thế nào?

Tôi thường đi làm thêm vào dịp hè và dành thời gian đi du lịch với các bạn trong cộng đồng Việt Nam cũng như sinh viên tại trường. Phần lớn thời gian rãnh tôi lên thư viện và xem phim, có một bộ sưu tập phim rất lớn trên thư viện và bạn không cần tốn tiền Netflix. Không thì tôi sẽ ở nhà đọc truyện, nghe nhạc.

Nói chung tôi tự thưởng cho mình những khoảng thời gian rất nhàn rỗi và thư giãn. Điều đó giúp tôi hồi phục sức khỏe và năng lượng sau một học kỳ căng thẳng.

Chị đánh giá thành phố Hamilton có phải là thành phố lý tưởng để sống ở New Zealand không? Nếu được chị có thể chia sẻ những mặt tốt và chưa tốt của Hamilton được không ạ?

Tôi chỉ có kinh nghiệm sinh sống tại Hamilton và thành phố Auckland lân cận. Cá nhân tôi yêu thích Hamilton vì sự yên tĩnh, và cũng vì sự trong lành của Hamilton. Nếu bạn thích sôi nổi, thích vui chơi thì Auckland phù hợp hơn. Nhưng nếu bạn thích yên tĩnh và thư giãn thì Hamilton phù hợp hơn.

Ở Hamilton bạn không cần lo thiếu nước, một vấn đề khá nghiêm trọng đối với các thành phố khác nhất là Auckland. Tuy nhiên, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội làm việc tốt tại Hamilton – nơi các công việc lao động phổ thông chiếm nhiều hơn công việc văn phòng.

Học sinh Koru chia sẻ trải nghiệm học tại University of Waikato
Thỏa thích khám phá những rặng núi tuyết ở New Zealand

Là một người từng có kinh nghiệm đi làm và nhiều trải nghiệm trong môi trường giáo dục, chị có bí quyết nào trong việc tự học và tự tạo cơ hội cho bản thân mình không?

Thật ra mỗi người sẽ có một phương pháp học tập thích hợp nhất với chính họ mà không ai có thể giúp đưa ra lời khuyên.

Tuy nhiên, nếu phải khuyên thì tôi muốn nói rằng bạn đừng ngại đưa ra thắc mắc, dù đôi lúc bạn cảm thấy thắc mắc đó, câu hỏi đó của mình thật ngu ngốc làm sao. Nhưng đó chính là điểm mấu chốt giúp bạn tiếp cận đến nguồn kiến thức cao hơn mà nếu bạn không hỏi thì bạn không thể tiến lên được.

Do vậy cứ hỏi, cứ nói cho giáo sư hoặc bạn học của bạn chỗ mà bạn chưa hiểu, chưa rõ. Không ai chê cười bạn cả vì bạn chỉ đang gặp một vấn đề mà bạn chưa biết. Và ở những khía cạnh khác, họ cũng sẽ có lúc cần đến sự giúp đỡ của bạn. Do vậy, học tập là sự trao đổi từ các bên với nhau.

Về việc nắm bắt cơ hội tôi chỉ có thể nói bạn sẽ không có cơ hội nào cả nếu bạn muốn tìm một việc mà bạn rất giỏi để làm. Ý tôi là, không phải lúc nào bạn cũng tìm được một việc mà bạn làm rất giỏi để mà thể hiện.

Tất cả mọi việc đều phải bắt đầu với chữ “thử nghiệm”. Cứ tích cực tham gia, sẵn sàng nhận những công việc mà bản thân bạn cảm thấy rất mới mẻ, sau hết vừa học cách làm, vừa hoàn thành công việc đó, bạn đã cho mình một cơ hội phát triển hơn bạn của ngày hôm qua.

Dự định tiếp theo của chị sau khi tốt nghiệp sẽ là gì?

Tôi dự định sẽ trở về Việt Nam và bắt đầu xây dựng sự nghiệp giáo dục của cá nhân tôi. Xin đi dạy ở một nơi nào đó chẳng hạn. Tôi không áp lực lắm vì tôi vẫn có thể trở lại chuyên ngành bảo hiểm của tôi để làm việc nếu khó khăn về kinh tế. Trước mắt, tôi chỉ muốn cố sức làm việc mà mình yêu thích.

Lời cuối cùng, chị muốn gửi gắm điều gì đến cho các bạn có dự định du học ngành Thạc sỹ giáo dục tại New Zealand không?

Bạn hãy tìm hiểu thật kỹ nội dung ngành học, xem nó có thật sự là kiến thức bạn cần có trong tương lai hay không. Nếu bạn là giáo viên và yêu thích của bạn là giảng dạy và phát triển kỹ năng sư phạm, vậy ngành học này sẽ không thích hợp cho phát triển tương lai của bạn.

Do đó, hãy tìm hiểu kỹ khóa học trước khi bạn đến học, vì tôi đã gặp rất nhiều bạn học của tôi cảm thấy chán nản vì họ đã chọn ngành học không đúng chuyên môn cũng như sở thích và như cầu thực tế.

Cám ơn chị rất nhiều!! Koru chúc cho chị sẽ hoàn thành thật tốt chương trình học của mình, cũng như có những trải nghiệm thật trọn vẹn tại New Zealand.

Hoi Thao Du Hoc New Zealand

Hội thảo “DU HỌC NEW ZEALAND 2024” 

Gặp gỡ 3 trường đại học TOP đầu tại xứ sở kiwi

>>> Đăng ký miễn phí tại: bit.ly/hoithaoduhocNewZealand2024

The University of Auckland – TOP 70 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng QS Ranking 2024

University of Waikato – #250 trên thế giới và là trường đại học #1 tại New Zealand về nghiên cứu theo QS Rankings 2024

Massey University – #239 trong các trường đại học hàng đầu thế giới (QS World University Rankings 2024)

Chỉ 15 phút trao đổi 1-1 cùng đại diện trường, bạn có thể tiết kiệm vài tháng tự tìm thông tin. Còn chần chờ gì mà không tăng tốc kế hoạch du học của bạn ngay hôm nay bằng cách đăng ký tham gia hội thảo “DU HỌC NEW ZEALAND 2024” của Koru Education.

Thời gian & Địa điểm: 24.03.2024 lúc 08.30 – 12.00 tại Khách sạn Sheraton – 88 Đồng Khởi, Bến Nghé, Q.1, TP.Hồ Chí Minh

Đến hội thảo, bạn sẽ nhận được những đặc quyền gì?

  • Khám phá 3 trường đại học hàng đầu New Zealand 
  • Siêu phẩm học bổng lên đến NZ$32.000 
  • Tư vấn chọn trườngngành & review hồ sơ học bổng
  • Review hồ sơ visa 1-1 cùng chuyên viên Koru Education với tỷ lệ thành công lên đến 100%.
  • Cập nhật thông tin về chính sách làm thêm & việc làm sau tốt nghiệp tại New Zealand