Khi lựa chọn du học New Zealand ngành IT, nhiều bạn không tránh khỏi những nỗi sợ như:
- Tốn rất nhiều tiền du học nhưng không tìm được việc làm.
- Lĩnh vực này đang bị bão hòa.
- Học xong rồi mình có bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI) hay không?
Tuy nhiên, theo anh Mitchell Phạm với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Công nghệ tại New Zealand, dẫu thời gian trôi qua bao nhiêu, nhu cầu nhân lực giỏi trong ngành Công nghệ thông tin bao giờ cũng lớn hơn khả năng cung cấp của thị trường lao động.
Vì vậy, thay vì lo sợ, bạn hãy trang bị cho mình bộ kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức và thành công trong ngành Công nghệ thông tin không chỉ ở New Zealand mà tại bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Ngành Công nghệ tại New Zealand – Không sợ dư, chỉ sợ thiếu
Công nghệ là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển thần tốc tại New Zealand. Theo Cục Di trú New Zealand, trong tương lai gần, các nhà tuyển dụng dự đoán sẽ cần 4.000-5.000 chuyên gia Công nghệ Kỹ thuật số mới mỗi năm. Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng thu hút rất nhiều chuyên gia quốc tế vì là một trong những ngành nghề được trả lương cao, công việc linh hoạt và nhiều cơ hội định cư.
Đặc điểm ngành Công nghệ tại xứ sở Kiwi là phát triển chuyên biệt trong từng lĩnh vực cụ thể:
- Nông nghiệp
- Sức khỏe
- Giáo dục
- Tài chính,…
Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực này nằm trong danh sách các công việc với lộ trình nhanh đạt thường trú nhân (Green List) của New Zealand, như:
- Lập trình viên phân tích
- Chuyên gia bảo mật CNTT
- Kỹ sư phần mềm
Làm sao để “trụ” được trong ngành IT tại New Zealand?
Hãy bước ra nhìn ngắm thế giới bên ngoài
Nghe có vẻ chẳng liên quan gì nhỉ? Nhưng với người Kiwi, ngắm nhìn cuộc sống, sống tử tế, làm việc vì người khác, tiếp xúc với nhiều người,… chính là cách để tự làm mới suy nghĩ bản thân và khám phá những chân trời ý tưởng khác biệt.
Thông thường, các tập đoàn công nghệ ở những quốc gia khác sẽ trang bị phòng giải trí, vui chơi để nhân viên được thư giãn, từ đó nghĩ ra những ý tưởng mới. Nhưng New Zealand thì khác hẳn. Khi học và làm việc tại xứ sở Kiwi, bạn sẽ được khuyến khích bước ra ngoài tận hưởng thiên nhiên, tham gia vào các hoạt động xã hội, cộng đồng để giúp đỡ người khác.
Tinh thần làm việc nhóm luôn được đề cao
Khác với suy nghĩ cho rằng người làm Công nghệ thường làm việc một cách độc lập, thực chất, làm việc trong ngành IT cực kỳ đề cao khả năng làm việc nhóm (teamwork) của mỗi người.
Ngành Công nghệ là một thể thống nhất. Mỗi thành viên sẽ đảm nhận một vai trò quan trọng khác nhau, tạo nên bức tranh tổng thể toàn diện. Vậy nên để cùng phát triển thì rất cần những đội nhóm có chuyên môn trong một lĩnh vực khác cùng hỗ trợ và làm việc.
Đặc biệt, với môi trường đa văn hóa như New Zealand, bạn sẽ làm việc với nhiều đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác nhau. Vì vậy, việc thích nghi linh hoạt, giao tiếp khéo léo và phối hợp tốt trong môi trường làm việc đa văn hóa là một trong những yếu tố then chốt giúp bạn tồn tại lâu dài trong ngành này.
Nếu không phát triển, bạn sẽ bị đào thải
Để thích nghi với nhu cầu ngành Công nghệ trong thời đại 5.0, bạn phải luôn giữ tư tưởng học hỏi và phát triển suốt đời. Mỗi ngày, một công cụ mới, một tính năng mới lại ra đời, hỗ trợ giải quyết công việc tốt hơn. Nếu không học nhanh mỗi ngày, bạn sẽ bị thay thế. AI không thay thế bạn mà chính người sử dụng thuần thục AI sẽ thay thế bạn. Vì vậy, điều cần làm là không ngừng học hỏi để trở thành người sử dụng thuần thục AI hay bất kỳ công nghệ mới nào sau này.
Bạn không nhất thiết phải trở thành chuyên gia ở mọi lĩnh vực, nhưng việc học hỏi những kỹ năng mới, hiểu về các xu hướng công nghệ quan trọng như:
- Cloud Computing
- Cybersecurity
- AI
- Data Science…
sẽ giúp bạn tăng giá trị bản thân và giữ được vị thế trong ngành.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cũng đóng vai trò quan trọng. Bạn cần:
- Tư duy phản biện (Critical Thinking): Đánh giá vấn đề, đưa ra giải pháp tối ưu.
- Khả năng thích nghi (Adaptability): Học hỏi nhanh, sẵn sàng thay đổi theo xu hướng.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem-Solving): Đưa ra phương án xử lý nhanh chóng và hiệu quả.
Chủ động nắm bắt cơ hội trong ngành
Thị trường IT tại New Zealand không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn cao mà còn cần sự chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội. Bạn có thể:
- Tham gia các cộng đồng công nghệ như Tech Meetup NZ, Dev Academy, AI New Zealand… để mở rộng networking.
- Đăng ký các khóa học, chứng chỉ quốc tế (AWS, Google Cloud, Microsoft Azure…) để nâng cao kỹ năng.
- Cập nhật xu hướng công nghệ qua các sự kiện, hội thảo lớn như Kiwi Tech Summit, NZ Techweek…
Kết luận
Làm việc trong ngành IT tại New Zealand không chỉ đòi hỏi chuyên môn vững vàng mà còn yêu cầu khả năng làm việc nhóm, tư duy mở, tinh thần học hỏi và thích nghi với môi trường làm việc đa văn hóa. Nếu bạn có định hướng rõ ràng và không ngừng trau dồi bản thân, cơ hội phát triển trong ngành IT tại New Zealand sẽ luôn rộng mở.
Bài viết có tham khảo thông tin từ sách “Đến New Zealand – Đón bình minh mới”