Nhiều bạn tin rằng đi du học xứ sở Kiwi, chỉ cần tập trung vào học giỏi là được. Tuy nhiên, thực tế, nếu biết cách cân bằng giữa chuyện học và làm, trải nghiệm đi làm thêm tại New Zealand sẽ là bài học vô giá mà không trường lớp nào dạy được.
>>> Đọc thêm bài viết “Du học sinh tại New Zealand được làm thêm bao nhiêu giờ/tuần?“
Làm thêm gây xao nhãng cho việc học
Điều này có thể xảy ra nhưng không phải bạn nào cũng thế. Nếu bạn đặt nặng việc kiếm tiền đến mức quên đi mục đích chính bạn khi đến New Zealand là học tập thì tuyệt đối không nên. Nhưng nếu bạn chỉ xem việc đi làm thêm là để tích lũy kinh nghiệm và cải thiện kỹ năng tiếng Anh thì Koru Education hoàn toàn ủng hộ.
Ngay cả những bạn có nền tảng tiếng Anh tốt tại Việt Nam nhưng khi sang New Zealand vẫn gặp khó khăn trong việc hòa nhập về mặt ngôn ngữ. Hơn nữa, tính cách của học sinh Việt Nam khá rụt rè nên các bạn ít giao tiếp bằng tiếng Anh một cách cởi mở với mọi người xung quanh.
Nhưng, khi đi làm thì việc giao tiếp không còn là lựa chọn mà là nghĩa vụ. Có thể ban đầu bạn sẽ khá tự ti về khả năng giao tiếp của bản thân. Tuy nhiên, cách duy nhất để vượt qua chính là học và cải thiện thật nhanh nếu muốn tiếp tục có thu nhập và kinh nghiệm.
Bạn cố gắng nghe thật kỹ, luyện nói thường xuyên và đừng ngại hỏi lại khi chưa hiểu rõ ý cũng như tập cười thật tươi để bù vào những điểm chưa tốt của bản thân. Ngoài ra, đi làm thêm cũng là cách để bạn học cách quản lý thời gian và năng lượng bản thân hiệu quả hơn.
Chị An Nguyên (Cử nhân Thương mại chuyên ngành Tiếp thị, Quản trị, Xã hội học tại Victoria University of Wellington) chia sẻ:
“Công việc đầu tiên của mình là bán hàng ở cửa hàng lưu niệm. Mình đã chọn đi làm vào mùa hè để làm quen với nhịp làm việc mà không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Sau đó, mình nhận thêm công việc bán hàng ở căng tin của trường trong giờ nghỉ trưa để tăng thu nhập cũng như sự đa dạng trong kinh nghiệm làm việc.
Cả hai công việc này đều có lịch làm việc khá thất thường, chỉ gọi đi làm khi cần thiết. Vì thế, việc sắp xếp lịch trình của bản thân để đảm bảo cả việc học và kiếm tiền trở nên cực kỳ cần thiết. Đây là lúc mình sử dụng journal để xếp thời khóa biểu cá nhân cũng như Google Calendar để nhắc nhở những cột mốc quan trọng như hạn nộp bài tập hay ngày thi.
Suốt khoảng thời gian từ 2019 đến 2023, cả 2 ngày cuối tuần, mình đều dành 8 tiếng/ngày cho một công việc làm thêm duy nhất: bán hàng điện máy gia dụng. Các bạn Việt Nam mới sang thường sửng sốt và có nhiều câu hỏi khi phát hiện mình đi học đại học 5 ngày trong tuần, rồi còn dành cả 2 ngày cuối tuần đi làm.
Mình chỉ cổ vũ các bạn cứ tin vào bản thân. Vì việc vừa học vừa đi làm thêm không có gì đặc biệt cả. Xung quanh mình gần như ai cũng làm được. Nhưng, bạn cần phải luôn nhắc nhở bản thân rằng chúng ta là du học sinh và việc học vẫn là trách nhiệm cần được ưu tiên hàng đầu.”
Công việc chân tay là thấp kém
Làm thêm với visa du học New Zealand
Ở Việt Nam, đôi lúc chúng ta sẽ nghe mọi người nói rằng công việc chân tay thấp kém hơn so với công việc bàn giấy. Nhưng, New Zealand lại có quan điểm khác hẳn. Chị An Nguyên chia sẻ:
“Mình vẫn nhớ như in bản thân đã bất ngờ thế nào trong những lần nói chuyện với các bạn học sinh bản xứ vào giữa năm lớp 11. Các bạn có rất nhiều kinh nghiệm đi làm thêm. Nhiều bạn mình biết đã bắt đầu đi làm từ năm 13, 14 tuổi từ việc giao báo bằng xe đạp, trông coi quầy trái cây vào mùa hè, sắp xếp hàng hóa cho cửa hàng của gia đình,….
Bạn bè xung quanh mình không ai là không có việc làm. Phần lớn các bạn làm phục vụ hoặc rửa chén tại nhà hàng, quán cà phê, thu ngân tại siêu thị và cửa hàng. Một số thì trông trẻ, làm vườn và những công việc khác.
Điều mình học được chính là thành tích xuất sắc ở trường không phải là thước đo duy nhất của một người tài năng, thông minh và thành công. Ý nghĩa về tiền bạc cũng trở nên rõ ràng hơn với mình. Cảm giác kiếm tiền từ những nỗ lực của bản thân, dù là từ những công việc chân tay, khiến mình hết sức trân trọng giá trị lao động trong tất cả ngữ cảnh, thay vì định kiến tôn sùng công việc văn phòng như trước đây.”
Không có công thức chung cho việc đi làm thêm tại New Zealand
Thật sự không có công thức chung nào cho công cuộc tìm việc làm bán thời gian. Ngoài việc bạn sẵn sàng chấp nhận mình sẽ nộp đơn xin việc, sẽ bị từ chối, và sẽ làm những công việc có vẻ chẳng liên quan gì đến dự định tương lai. Nhưng, nếu chịu mở lòng cho những thử thách mới và sẵn sàng học hỏi từ mọi môi trường mà bạn được tham gia, thì dù là công việc nào đều sẽ cho bạn kỹ năng mới để theo đuổi ước mơ của bản thân.
Để tìm việc làm thêm, bạn có thể tham khảo các trang tuyển dụng như Seek, Indeed, TradeMe. Ngoài ra, trang Student Job Search cũng có nhiều công việc đặc biệt phù hợp với học sinh từ các nhà tuyển dụng.
Đi làm thêm tại New Zealand sẽ giúp bạn trang bị thêm nhiều kỹ năng sống hữu ích mà có lẽ sẽ khó có được nếu chỉ học trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, nó còn giúp bạn có một ít tiền để trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, việc học tập vẫn là quan trọng nhất. Đừng vì mải mê đi làm mà quên đi mục đích quan trọng này nhé.
Bài viết có tham khảo thông tin từ sách “Đến New Zealand – Đón bình minh mới”