Koru Education trân trọng gửi đến các bạn những chia sẻ từ Huỳnh Ngọc Hậu, du học sinh Việt Nam vừa tốt nghiệp chương trình Thạc sỹ tại Victoria University of Wellington (VUW – Đại học Victoria), New Zealand với rất nhiều thông tin thú vị và bổ ích.
Chào bạn! Bạn có thể giới thiệu về bản thân mình được chứ?
Xin chào Koru và các bạn. Mình tên đầy đủ là Huỳnh Ngọc Hậu, tên tiếng anh là Harley. Mình là dân Sài Gòn chính gốc và là cựu học sinh trường Nguyễn Thượng Hiền và trường Đại học Kinh Tế TP.HCM.
Điều gì khiến bạn quyết định theo học chương trình Master of Marketing của Đại học Victoria ở New Zealand?
Quyết định theo học chương trình Master of Marketing của Đại học Victoria ở New Zealand được đưa ra sau khi mình cân nhắc rất kĩ các yếu tố:
Đầu tiên, mình muốn nâng cao chuyên môn và tìm thêm trải nghiệm mới nên mình quyết định theo học chương trình Thạc sĩ ở một quốc gia khác.
Tiếp theo, vì New Zealand là một trong các quốc gia nổi tiếng về nền giáo dục tiên tiến bên cạnh môi trường sống trong lành, gần gũi thiên nhiên và ý thức cao về sự phát triển bền vững song song với các hoạt động bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, trường Đại học Victoria ở New Zealand là một trong những đối tác chiến lược của trường Đạo học Kinh Tế TP.HCM. Vì thế, mình tin rằng văn hóa và giáo trình được giảng dạy sẽ có mức độ tương đồng nhất định, giúp việc bắt nhịp với việc học của mình nhanh và hiệu quả hơn.
Bạn đã hòa nhập với môi trường bên đó như thế nào trong những ngày đầu tiên? Những mặt thuận lợi và khó khăn khi sống ở một đất nước mới là những gì?
Môi trường và phong cách sống ở New Zealand, cụ thể là tại thủ đô Wellington, khá tương đồng với bản thân mình khi vẫn còn ở Việt Nam. Mình yêu thích các hoạt động gần gũi với thiên nhiên như đi dạo bở biển hoặc trồng cây xanh.
Bên cạnh đó, mình cũng có sở thích về cafe. Dù ở New Zealand không uống món cafe sữa đá truyền thống của Sài Gòn nhưng mình được thưởng thức món cafe Flat White đặc sản ở đây.
Dù có được rất nhiều thuận lợi khi hòa nhập với môi trường mới, mình vẫn khá chật vật với hai điều sau:
Thứ nhất là sự thay đổi khí hậu cực kì đột ngột. Mình còn nhớ khi mình rời Việt Nam sang đây là đầu tháng 7 tức đang là mùa hè ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 24 tiếng ngồi máy bay, mình đã phải sống ở thời tiết mùa đông. Điều này đã làm mình bị chảy máu mũi trong 2 tuần đầu tiên rời Việt Nam. Nhưng sau đó thì mình đã quen và còn được các bạn Kiwi (cách gọi thân mật chỉ người New Zealand) nói là chịu lạnh tốt hơn các bạn ấy.
Điều thứ hai gây trở ngại cho mình là phát âm của dân bản xứ. Mặc dù trước khi sang New Zealand, mình đã tập nghe phát âm của người nơi đây và cả phát âm của nhiều nước nói tiếng Anh khác, nhưng đến khi trải nghiệm thực tế mình vẫn có đôi chút khó khăn khi giao tiếp. Mình đã mất khoảng 3 tháng mới có thể tiếp thu trôi chảy phát âm của các bạn ở đây vì theo cảm nhận cá nhân của mình, các bạn ấy cũng có phương ngữ riêng, tức là giọng địa phương – điều này thực ra hoàn toàn phổ biến trên thế giới.
Chương trình học được Đại học Victoria thiết kế như thế nào?
Theo cảm nhận của mình, chương trình học được thiết kế rất phù hợp với chuyên ngành mình theo học là Marketing. Mình nghĩ là đó là bậc học Thạc sĩ nên giáo án sẽ chú trọng nhiều hơn vào các cơ sở lý thuyết và những mô hình kinh điển từ đó hướng đến sự phát triển lâu dài cũng nhưng tạo nền tảng cho khả năng phát triển nghề nghiệp theo hướng chuyên nghiệp và có định hướng chuyên môn rõ ràng hơn.
Bạn có chia sẻ gì về sự khác biệt giữa phương pháp giáo dục ở New Zealand và ở Việt Nam?
Bởi vì mình học cử nhân ở Việt Nam và tốt nghiệp Thạc sĩ ở New Zealand nên mình không chắc chắn sự khác biệt chỉ xuất phát từ nền giáo dục ở 2 quốc gia hay còn do cấp bậc đào tạo. Sự khác biệt rõ ràng nhất đó chính là phong cách và định hướng giáo dục ở 2 quốc gia.
Cụ thể, khi mình học ở Việt Nam, mình được đào tạo để có thể nhanh chóng áp dụng kiến thức vào thực tế và công việc. Giống việc các bạn cần ghi nhớ công thức tính toán và biết khi nào cần áp dụng công thức đó.
Ngược lại, ở New Zealand, các giáo sư muốn dạy cho học sinh tập trung nhiều hơn vào nguồn gốc của kiến thức để hiểu rõ vì sao các mô hình hay lý thuyết được ra đời. Từ đó, học sinh sẽ phát triển tư duy giải quyết vấn đề bằng việc tự đặt ra các câu hỏi khi gặp khó khăn như vấn đề xuất phát từ đâu, giải quyết như thế nào, chi phí cho các phương án và đâu là phương án tốt nhất.
Ngoài ra, một khác biệt thật sự gây cho mình không ít bỡ ngỡ chính là cách giảng dạy. Ở Việt Nam, các thầy cô sẽ giảng dạy chi tiết các bài học trên lớp thông qua sách giáo khoa và slide trình chiếu. Mình cũng được khuyến khích đọc tài liệu trước khi đến lớp nhưng nếu không đọc thì vấn đề cũng không quá nghiêm trọng vì mình sẽ được giảng lại tại lớp học.
Còn ở New Zealand, phần lớn các lớp học được thiết kế để tối ưu hóa sự tương tác giữa học sinh và giảng viên. Sinh viên phải tự giác đọc tài liệu, tìm tòi kiến thức trước khi lên giảng đường, nếu không sẽ không thể tham gia một cách có hiệu quả vào các hoạt động trong tiết học, chủ yếu sẽ là thảo luận nhóm và vấn đáp giảng viên. Như vậy, học tập ở New Zealand yêu cầu bạn luôn có sự chuẩn bị tốt, luôn sẵn sàng và có suy nghĩ độc lập rất cao.
Trong quá trình học, môn học nào là khó khăn nhất với bạn và bạn đã thích ứng như thế nào?
Với cá nhân mình, các môn học ở học kì thứ hai gây cho mình rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, đây là học kì bản lề nhằm nâng cao chuyên môn của sinh viên thông qua các môn học trọng yếu theo phân ngành. Thứ hai, học kì này chính là thời điểm dịch bùng phát ở New Zealand (Tháng 8/2020), chúng mình phải chuyển sang học online sau khi đã học được gần nửa học kì. Vì vậy, sự thích nghi trong việc chuyển đổi phương thức dạy và làm đã tạo ra sự sao nhãng nhất định cho bản thân mình.
Môn học thực sự gây khó khăn không chỉ cho cá nhân mình mà là cả lớp trong học kì này chính là môn học “Giáo tiếp trong Marketing”. Đây là môn học yêu cầu rất cao từ giảng viên. Đã có giai đoạn tụi mình được giáo tài liệu đọc thêm lên đến hơn 600 trang. Rất may đây chỉ là khuyến khích đọc thêm đúng nghĩa và nội dung thi chỉ gói gọn trong 60 trang.
Một khó khăn khác từ môn học này chính là sự mở rộng kiến thức kiên quan. Ban đầu, trước khi học kì này bắt đầu, tên của môn học này thật sự làm mình hứng thú. Mình đã hình dung nội dung môn học sẽ về các chiến dịch truyền thông trong Marketing. Tuy nhiên, sự thật là giáo sư đã mang cả lớp mình vào một thế giới của tâm lý học và khoa học về não bộ. Khi đọc tài liệu môn học, có những từ ngữ mình phải tra từ điển Anh Việt và thêm một lần tra từ điển Việt Việt để hiểu được nội dung.
Phương pháp học của mình dành riêng cho môn này chính là sự tập trung cao độ và dùng Mindmap. Cụ thể, mình thường đọc tài liệu của môn này vào khoảng thời gian yên tĩnh nhất trong ngày, thường là đêm muộn hoặc sáng sớm. Khi đọc đến các nội dung khó hiểu, mình sẽ hình tượng hóa kiến thức thông qua việc vẽ các biểu đồ để hiểu đọc các mối quan hệ hay cách vận hình của các bộ phận, thành phần mà lý thuyết đề cập. Với các vấn đề mình không thể hiểu được, mình sẽ học trực tiếp giao sư để nhờ thầy giảng giải.
Nhờ những nỗ lực trên, cộng với một chút may mắn, mình đã có được một kết quả khá ổn so với mục tiêu mình đặt ra từ đầu khóa học.
Bên cạnh các hoạt động liên quan tới trường, bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình như thế nào?
Ngoài việc học, mình giành khoảng 20 giờ theo quy định cho phép của New Zealand để làm thêm vào tự trang trải cuộc sống, không còn phụ thuộc vào gia đình. Mình cảm thấy bản thân trưởng thành hơn rất nhiều vì đã có thể tự lo cho bản thân. Bên cạnh đó, mình thích đi bộ dạo quanh thành phố và ngắm cảnh thiên nhiên. Vì đây là một nơi có cả núi đồi, thung lũng và biển nên cảnh quan thiên nhiên thực sự tuyệt vời. New Zealand thực sự quá đẹp, các bạn ạ.
Vì mình đã ở Hall (Ký túc xá của trường mình), nên mình thích tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hằng tuần do nơi đây tổ chức.
Cuối cùng là các sở thích như đi mua sắm, gọi điện thoại cho gia đình và bạn bè ở Việt Nam.
Trong suốt quá trình học cũng như trong giai đoạn dịch Covid diễn ra, bạn có nhận được hỗ trợ gì không?
Khi đại dịch bùng phát ở New Zealand và đặc biệt là thành phố mình sinh sống, mặc dù chưa ghi nhận ca tử vong nào, nhưng chính phủ đã mau chóng tuyên bố giãn cách xã hội. Vì thời điểm đó, mình vẫn còn là du học sinh đang ở Hall trực thuộc sự quản lí của nhà trường nên mình đã được hưởng chế độ ưu đãi. Cụ thể, các bạn học sinh bản xứ ở Hall sẽ được khuyến khích về quê, chờ đến khi có thông báo mới. Trong khi các du học sinh quốc tế được tập trung tại một Hall khác phù hợp hơn. Khi đến đó, bọn mình được sống theo nhóm nhất định theo từng Hall trước đó nhằm tránh lây lan mầm bệnh (hầu như là không có nhưng trường rất thận trọng). Bên cạnh đó các bữa ăn sẽ được cung cấp hoàn toàn miễn phí, 3 bữa một ngày. Các loại đồ uống như trà hay cafe thì luôn có sẵn ở căn tin tự phục vụ, và tất nhiên là cũng không tính tiền. Cuối cùng chính là khoản trợ cấp từ chính phủ đối với tất cả người lao động đang đi làm và đống thuế hợp pháp (như mình), được nhận khoản lương tương đương với số giờ làm trung bình mà chính phủ quy định.
Tóm lại, đây là giai đoạn có chút khó khăn cho việc học của mình nhưng về vấn đề đời sống thì rõ ràng mình đã “không làm mà vẫn có ăn”, và thêm cả trợ cấp từ chính phủ nữa. Thực sự rất tuyệt vời.
Sau tất cả, mình thực sự biết ơn sự hỗ trợ từ trường và chính phủ nhằm đảm bảo cuộc sống cho không chỉ dân bản xứ mà cả du học sinh và các lao động nước ngoài tại New Zealand.
Bạn đã học hỏi được những gì sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ của mình?
Đầu tiên, mình đã có thêm kiến thức và các kĩ năng, làm hành trang cho con đường sự nghiệp tương lai. Bên cạnh đó là những trải nghiệm sống khá mới mẽ ở một quốc gia có nền văn hóa, điều kiện tự nhiên và vị trị địa lý hoàn toàn khác so với Việt Nam. Và cuối cùng chính là tính tự lập và tư duy giải quyết vấn đề tạo tiền đề cho sự phát triển không chỉ về sự nghiệp mà còn cả cuộc sống cá nhân trong tương lai của mình.
Bạn có lời khuyên hay chia sẻ nào cho các bạn du học sinh Việt Nam trong tương lai không?
Với các bạn có ý định du học trong tương lai, mình khuyên các bạn đừng ngần ngại nếu điều kiện cho phép, hãy nghe theo ước mơ và hoài bảo chinh phục thử thách. Khó khăn rồi sẽ có cách vượt qua.
Các bạn nên tìm hiểu thật kĩ về đất nước và thành phố mà các bạn mong muốn đến. Các yếu tố như văn hóa, thiên nhiên, địa lý và phần nào đó là ngôn ngữ sẽ quyết định mức độ trở ngại khi các bạn hòa nhập vào môi trường mới.
Bên cạnh đó, vì mình được Koru Education tư vấn rất tận tình, mình khuyên các bạn hãy tham khảo thông tin từ những công ty tư vấn du học có uy tín nhằm có được phân tích chính xác và sự hỗ trợ lâu dài vì du học nói riêng, hay giáo dục nói chung, là một hành trình dài lâu nhằm đảo bảo sự phát triển có định hướng của cá nhân các bạn.