Trong quá trình hướng dẫn viết bài luận săn học bổng cho các bạn học sinh, Koru Education nhận ra rằng các bạn thường mắc phải những lỗi vô cùng cơ bản. Điều này khiến hồ sơ apply học bổng bị loại rất cao. Do đó, trong bài viết này, Koru Education sẽ đưa ra 09 lỗi các bạn học sinh thường mắc phải mà chúng tôi đúc kết được trong quá trình sửa bài. Đồng thời, cũng đưa ra biện pháp khắc phục để tăng tối đa cơ hội nhận học bổng.
Mở đầu bài luận săn học bổng một cách mờ nhạt
Nhìn chung, các bạn học sinh thường bắt đầu bài luận bằng những câu như: “Tôi sinh ra và lớn lên…” hay “Tôi xuất thân từ vùng quê…”. Không có gì sai cả. Nhưng nó không giúp bạn nổi bật giữa hàng trăm hàng ngàn bộ hồ sơ mà hội đồng tuyển sinh nhận được.
Ai cũng viết giống ai. Vậy tại sao họ phải chọn bạn? Bài luận của bạn đâu có điểm nào khác biệt so với những người khác?
Hãy nhớ rằng bạn có 8 giây để thu hút sự chú ý của hội đồng tuyển sinh. Do đó, bạn phải viết làm sao để phần mở đầu của bài luận thật hấp dẫn. Từ đó, lôi kéo họ đọc hết bài luận của bạn.
Và, cách tạo ấn tượng tốt nhất chính là kể lại một câu chuyện về chính cuộc đời bạn hay một trải nghiệm thực tế nào đó. Ví dụ, bạn chọn ngành học liên quan đến xã hội. Bạn có thể kể câu chuyện về cơ duyên khiến bạn yêu thích ngành học đó chẳng hạn.
Lưu ý, hãy kể câu chuyện có thật của bản thân. Bạn không nên cố bịa ra một câu chuyện để tạo ấn tượng. Điều này sẽ phản tác dụng vì hội đồng tuyển sinh có thể đưa ra những câu hỏi sâu hơn cho bạn trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn không trả lời được, điều này sẽ là điểm trừ vô cùng lớn.
Bài luận apply học bổng mắc phải lỗi sai văn phạm và chính tả
Đây là lý do hàng đầu mà hội đồng tuyển sinh loại hồ sơ săn học bổng của bạn từ “vòng gửi xe”. Họ sẽ cảm thấy rất khó chịu khi đọc một bài luận đầy lỗi chính tả.
Ngoài lỗi chính tả, nhiều bạn còn mắc một lỗi nữa là viết câu quá dài. Viết câu dài rất dễ khiến câu chữ của bạn trở nên tối nghĩa hoặc sai về cấu trúc ngữ pháp.
Bạn có thể sử dụng Grammarly khi viết bài luận. Phần mềm này sẽ hỗ trợ bạn:
- Kiểm tra lỗi chính tả
- Đề xuất cho bạn cách viết sao cho tự nhiên, rõ nghĩa
- Kiểm tra lỗi đạo văn
Không đưa ra hành động cụ thể
Ví dụ, bạn trình bày trong bài luận rằng “Tôi sẽ áp dụng kiến thức học được để đóng góp cho sự phát triển của quê hương mình”. Vậy làm sao để hội đồng tuyển sinh tin là bạn làm được?
Bạn phải giúp họ hiểu rõ kế hoạch hành động của mình.
Bạn sẽ áp dụng kiến thức và kỹ năng nào đã được học? Và cách thức áp dụng như thế nào?
Điều này đòi hỏi bạn phải hiểu rất rõ ngành học của mình cũng như từng môn học trong chương trình học.
Ví dụ, bạn chọn học về Kinh doanh. Trong chương trình học có môn Quản trị chiến lược chẳng hạn. Và, bạn nhận thấy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thường kinh doanh không bài bản. Họ không có một chiến lược cụ thể để nâng vị thế doanh nghiệp mình lên một tầm cao mới. Vì vậy, bạn muốn áp dụng kiến thức đã học để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phát triển.
Bài luận săn học bổng viết lan man, không đúng chủ đích
Một bài luận săn học bổng thường tối đa khoảng 1.000 từ. Có trường chỉ giới hạn khoảng 500 – 700 từ. Nhưng có nhiều bài luận mà Koru sửa, các bạn viết đến 2.000 – 2.500 từ.
Các bạn kể mọi thứ từ gia đình, quê quán cho đến những chuyện to lớn như quốc gia hay thế giới vào bài luận của mình. Điều này không cần thiết. Hãy nhớ rằng, mỗi ngày, hội đồng tuyển sinh phải xét duyệt rất nhiều hồ sơ. Họ không đủ kiên nhẫn để đọc hết những nội dung lan man mà bạn viết.
Cách khắc phục cho bạn chính là chỉ tập trung kể về bản thân mình mà thôi. Vì mục đích của bài luận là để hội đồng tuyển sinh hiểu thêm về ứng viên. Do đó, bạn nên cố gắng loại bỏ các thông tin không liên quan trực tiếp đến bản thân. Và, tập trung vào những yếu tố giúp hội đồng tuyển sinh hình dung được tính cách và con người thật của bạn.
>>> Kinh nghiệm săn học bổng New Zealand “bách phát bách trúng” dành cho bạn
Viết chung chung, không có dẫn chứng cho luận điểm của mình
Khi viết bài luận apply học bổng, bạn phải luôn ghi nhớ một nguyên tắc chính là “nói có sách, mách có chứng”.
Đừng viết chung chung như kiểu “Tôi đã tham gia rất nhiều phong trào”, “Tôi đã làm rất nhiều dự án thú vị trong quá trình học”, “Tôi có kỹ năng lãnh đạo”. Bạn cần giải thích rõ kèm theo dẫn chứng để chứng minh.
Nếu bạn muốn thể hiện bản thân có kỹ năng lãnh đạo, bạn có thể kể câu chuyện mà trong câu chuyện đó năng lực lãnh đạo của bạn được khắc họa rõ nét nhất.
Ví dụ, lớp bạn được trao nhiệm vụ trang trí hội trại cho trường. Bạn đã thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào? Phân công các bạn trong lớp ra sao? Dựa trên những yếu tố gì để phân công? Khó khăn gặp phải và cách thức vượt qua?
Bài luận săn học bổng có bố cục lộn xộn
Bố cục lộn xộn trong bài luận là một trong những lỗi mà nhiều bạn mắc phải nhất. Viết lộn xộn như vậy rất khó để thể hiện bản thân rõ nét trước hội đồng tuyển sinh, chứ đừng nói đến viết tạo ấn tượng.
Do đó, trước khi viết, hãy lập cho mình một dàn ý (outline). Bạn có thể sử dụng mindmap để lên dàn ý cho mình. Luận điểm chính ở giữa, sau đó rẽ từng nhánh cho các luận điểm con. Ở từng luận điểm con, bạn tiếp tục đưa ra luận cứ để củng cố.
Lưu ý, trình tự bài viết nên đi từ quá khứ đến hiện tại. Tiếp đến là các kế hoạch trong tương lai. Với trình tự như vậy, hội đồng tuyển sinh sẽ hình dung quá trình phấn đấu của bạn dễ dàng hơn.
Không có câu chuyển ý trong bài luận
Không có câu chuyển ý giữa các đoạn làm cho bài luận trở nên rời rạc, thiếu tính mạch lạc. Ngoài ra, nó còn tạo cảm giác khô khan, cộc lốc, gây mất thiện cảm với hội đồng tuyển sinh.
Vì vậy, giữa các đoạn, bạn cần sử dụng câu kết nối để “gắn” chúng lại với nhau. Câu này thường đứng đầu trong một đoạn văn. Những câu này đóng vai trò kết nối giữa các đoạn đồng thời giúp người đọc biết bạn sắp trình bày nội dung gì trong đoạn văn đó.
Sử dụng văn phong Việt Nam trong bài luận
Nhiều bạn khi viết luận tiếng Anh có thói quen dịch từng từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Nhưng, điều này lại khiến câu văn trở nên tối nghĩa, gây khó hiểu cho người đọc.
Để khắc phục, không còn cách nào khác ngoài việc bạn phải chịu khó đọc nhiều tài liệu bằng tiếng Anh. Học cách hành văn của người bản xứ như thế nào? Cách họ sử dụng từ ngữ ra sao?
Ngoài ra, như Koru đề cập ở trên, bạn có thể sử dụng Grammarly để hỗ trợ phần này. Tuy nhiên, gợi ý từ Grammarly chỉ mang tính chất tương đối. Vì nó không hiểu chính xác ý và ngữ cảnh bạn muốn truyền đạt như thế nào.
Trả lời lạc đề
Lạc đề được xem là lỗi nặng nhất khi viết bài luận.
Nhiều chương trình học bổng sẽ đưa ra chủ đề cụ thể cho ứng viên. Nếu trả lời lạc đề thì xem như bạn đã tự loại mình trước khi hội đồng tuyển sinh loại bạn.
Hội đồng tuyển sinh đánh giá thấp ứng viên viết lạc đề. Vì việc không hiểu câu hỏi để trả lời đồng nghĩa với năng lực chưa tốt.
Cách khắc phục tốt nhất chính là đọc thật kỹ để đảm bảo bản thân hiểu đúng chủ đề. Sau đó, tiến hành phân tích thành các ý nhỏ để trả lời cho cụ thể.
Trên đây là 09 lỗi sai phổ biến trong bài luận săn học bổng mà Koru nhận thấy trong quá trình chỉnh bài cho các bạn. Nếu bạn cảm thấy chưa tự tin về bài luận của mình, hãy tìm người có kinh nghiệm hỗ trợ. Koru Education tự hào đã giúp rất nhiều bạn săn học bổng thành công. Chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá và góp ý để bài luận apply học bổng của bạn hoàn hảo nhất có thể. Từ đó, nâng cao khả năng chinh phục được học bổng của bạn.