Du học nghề New Zealand là lựa chọn lý tưởng cho những bạn mong muốn học tập tại xứ sở kiwi. Bởi lộ trình học tập ngắn, chi phí thấp cùng cơ hội định cư rộng mở sau tốt nghiệp. Vậy điều kiện học nghề ở New Zealand như thế nào? Mời các bạn cùng Koru Education tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
>>> Đăng ký nhận danh sách học bổng du học Úc & New Zealand
Ưu điểm du học nghề ở New Zealand
Chương trình học thực tiễn
Chương trình giảng dạy được hỗ trợ thiết kế từ các nhà tuyển dụng trong ngành. Điều này đảm bảo những gì bạn học là kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc.
Những kỹ năng mang tính “chuyển đổi cao” bao gồm:
- Tính linh hoạt
- Sự sáng tạo
- Khả năng làm việc nhóm
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Khả năng lãnh đạo, ra quyết định
- Tinh thần “Tôi có thể làm được”
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Chương trình đào tạo nghề sẽ kéo dài từ 1 đến 2 năm. Về học phí, tùy vào chương trình và trường, sẽ dao động từ NZ$10.000 – NZ$18.000/năm.
Trong khi đó, chương trình cử nhân tại New Zealand thường kéo dài 3 năm. Một vài ngành đặc biệt như Y khoa sẽ là 6 năm. Học phí trung bình khoảng NZ$30.000 – NZ$40.000/năm (tùy chuyên ngành và trường). Với các ngành Y khoa, Thú y, học phí sẽ cao hơn và thời gian học cũng lâu hơn.
>>> Du học New Zealand tốn bao nhiêu tiền?
Thực tập trong quá trình học
Chương trình học có thể bao gồm:
- Thực tập
- Thực tập hưởng lương (nhất là với nhóm ngành du lịch, quản trị nhà hàng và khách sạn)
- Và các dự án trong ngành
giúp bạn có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp
Hoàn thành chương trình nghề, bạn có thể gia nhập thị trường lao động ngay. Bạn có thể xin Post-Study Work Visa (PSWV) để ở lại làm việc tại New Zealand. Thời hạn của PSWV tùy thuộc vào chương trình học, cấp độ cũng như ngành học có thuộc Green List hay không.
Kinh nghiệm làm việc tích lũy được sẽ giúp hành trình định cư New Zealand của bạn dễ dàng hơn. Ngoài ra, bằng cấp level càng cao, bạn càng dễ nộp đơn vào các vị trí quản lý. Đồng thời, điểm xét xin làm thường trú nhân (Resident Visa) cũng được cộng nhiều hơn.
>>> Du học New Zealand – Mọi điều bạn cần biết trước khi lựa chọn
Học nghề tại New Zealand sẽ gồm các cấp bậc nào?
Theo khung bằng cấp của New Zealand (NZQF), có 10 cấp bậc:
- Cấp bậc 1-4 bao gồm Chứng chỉ giáo dục quốc gia (NCEA) – bằng cấp chính ở các trường trung học và đào tạo nghề cơ bản.
- Cấp bậc 5-6 bao gồm các chứng chỉ và bằng cấp đào tạo nghề
- Cấp bậc 7-10 gồm các bằng cấp, trình độ đại học và sau đại học
Bạn có thể tham khảo bảng dưới đây để hiểu rõ hơn:
Cấp bậc | Trình độ chuyên môn |
1 | Chứng chỉ (Certificate) |
2 | Chứng chỉ (Certificate) |
3 | Chứng chỉ (Certificate) |
4 | Chứng chỉ (Certificate) |
5 | Chứng chỉ (Certificate) và Văn bằng (Diploma) |
6 | Chứng chỉ (Certificate) và Văn bằng (Diploma) |
7 | Văn bằng (Diploma)
Bằng Cử nhân (Bachelor’s Degree) Graduate Certificate Graduate Diploma |
8 | Bằng Cử nhân danh dự (Bachelor Honours Degree)
Postgraduate Certificate Postgraduate Diploma |
9 | Bằng Thạc sĩ (Master’s Degree) |
10 | Bằng Tiến sĩ (Doctoral Degree) |
Lộ trình du học nghề ở New Zealand
Sau khi học xong lớp 12 tại Việt Nam, bạn có thể đăng ký các khóa chứng chỉ và bằng cấp đào tạo nghề (Level 5 hoặc 6).
Khi đã hoàn thành xong, bạn có thể tiếp tục học đại học tại các trường có đào tạo chương trình cử nhân.
Điều kiện du học nghề New Zealand là gì?
Điều kiện quan trọng nhất khi du học nghề New Zealand chính là tiếng Anh. Hầu hết các ngành đều yêu cầu IELTS tối thiểu 5.5.
Ngay cả khi bạn có nghiệp vụ tại Việt Nam nhưng nếu không có tiếng Anh thì cũng khó học nghề tại New Zealand.
Ngoài ra, bạn cũng cần đáp ứng những yêu cầu sau:
- Tối thiểu 18 tuổi
- Học lực từ khá trở lên (GPA >= 6.5)
- Không có khoảng trống học tập quá lớn
- Chứng minh được tài chính để du học nghề tại New Zealand
- Điều kiện sức khỏe tốt, không mắc các bệnh truyền nhiễm
Một số ngành nghề triển vọng tại New Zealand dành cho bạn
Du học nghề tại New Zealand có đa dạng ngành nghề để bạn lựa chọn. Trong đó, một vài ngành nghề dưới đây thường được nhiều du học sinh lựa chọn.
- Kỹ sư xây dựng
- Kỹ sư dân dụng
- Kỹ sư điện
- Kỹ sư phần mềm
- Kỹ sư cơ khí
- Giáo viên mầm non
- Giáo viên trung học
- Nhóm ngành chăm sóc sức khỏe (Điều dưỡng, Y tá,…)
- Đầu bếp
- Thiết kế – Sáng tạo
Riêng Hospitality (nhóm ngành Dịch vụ khách sạn) dù không nằm trong Green List nhưng vì New Zealand mạnh về du lịch cả bốn mùa nên vẫn rất thiếu nhân sự. Do đó, nếu bạn chọn du học nghề Hospitality sẽ dễ tìm việc. Đặc biệt là ở đảo Nam, thành phố Queenstown.
>>> Học ngành gì khi du học New Zealand?
Danh sách một số trường dạy nghề ở New Zealand
Te Pūkenga – Học viện Kỹ năng và Công nghệ New Zealand
Được thành lập bởi chính phủ New Zealand, học viện Te Pūkenga có 163 cơ sở đào tạo. Dưới đây là ba học viện cung cấp chương trình đào tạo nghề trực thuộc Te Pūkenga.
NMIT – Nelson Marlborough Institute of Technology
Với bề dày lịch sử hơn 115 năm, NMIT là cơ sở giáo dục thuộc sở hữu của chính phủ New Zealand. Học viện này cung cấp đa dạng chương trình học:
- Chương trình nghề
- Chương trình đại học
- Chương trình sau đại học
Tất cả chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp của NMIT đều nằm trong nhóm 1. Đây là nhóm xếp hạng cao nhất của NZQA (Cơ quan đánh giá chất lượng bằng cấp New Zealand).
Unitec Institute of Technology
Tọa lạc ở trung tâm Auckland, Unitec là học viện công nghệ lớn nhất tại New Zealand. Nơi đây cung cấp đa dạng bậc học từ đào tạo nghề cho đến chương trình sau đại học.
Đặc biệt, Unitec là học viện duy nhất tại New Zealand được tập đoàn IBM đầu tư vào. IBM là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu về công nghệ máy tính.
Ara Institute of Canterbury
Học viện là nơi cung cấp giáo dục nghề lớn nhất tại Canterbury. Đồng thời, đây cũng là học viện công nghệ lớn nhất tại đảo Nam, New Zealand.
Học viện Ara cũng được xếp loại 1 bởi NZQA và thuộc sở hữu của chính phủ New Zealand.
Với những bạn chọn học ngành Hospitality, có thể cân nhắc các trường chuyên về đào tạo ngành này như:
QRC – Queenstown Resort College
Là một trong những trường cao đẳng chuyên đào tạo về Du lịch và Khách sạn nổi tiếng tại New Zealand. Chương trình học kết hợp cả lý thuyết và thực hành, nhằm giúp sinh viên đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng trong tương lai. Bên cạnh đó, trường cũng hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
QRC tọa lạc tại thành phố Queenstown. Nơi đây thu hút lượng lớn khách du lịch hằng năm. Điều này tạo điều kiện cho sinh viên trường có thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Le Cordon Bleu
Le Cordon Bleu là trường hàng đầu thế giới về nghệ thuật ẩm thực và nhà hàng, khách sạn. Khu học xá của trường tại New Zealand tọa lạc ở thủ đô Wellington, đào tạo về:
- Nấu ăn và Làm bánh ngọt
- Quản trị nhà hàng, khách sạn và ẩm thực
PIHMS – Pacific International Hotel Management School
Được thành lập năm 1995, trường quản trị khách sạn PIHMS đã đào tạo hàng ngàn sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành du lịch và quản lý khách sạn không chỉ tại New Zealand mà trên khắp thế giới. Trường vinh dự nhận giải “Export Award” của Bộ Ngoại giao New Zealand năm 2003.
Nhà tuyển dụng từ các khách sạn lớn thường đến PIHMS để tìm kiếm sinh viên giỏi. Điều này phần nào nói lên chất lượng đào tạo xuất sắc của trường.
Một số câu hỏi phổ biến về du học nghề New Zealand
Sau khi học xong chương trình nghề có thể tiếp tục học lên đại học không?
Bạn hoàn toàn có thể học lên đại học sau khi học xong chương trình nghề. Kiến thức thực tiễn ở khóa học nghề sẽ là nền tảng vững chắc giúp việc học đại học của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, bạn có thể chọn đi làm ngay sau khi kết thúc chương trình nghề. Sau khi đi làm, nếu muốn nâng cấp kiến thức bản thân, bạn có thể học tiếp đại học.
Nên học nghề hay học đại học ở New Zealand?
Câu trả lời tùy vào mục tiêu, điều kiện tài chính cũng như năng lực học tập của bạn.
Nếu ngân sách du học của bạn không quá nhiều, du học nghề sẽ là lựa chọn phù hợp. Hoặc, nếu bạn muốn nhanh chóng đi làm để kiếm thêm thu nhập, du học nghề cũng là lựa chọn lý tưởng.
Có giới hạn độ tuổi học nghề tại New Zealand không?
Hiện tại, chính phủ New Zealand không có giới hạn độ tuổi học nghề. Tuy nhiên, độ tuổi quá lớn có thể là một bất lợi khi xin visa du học New Zealand. Họ e ngại những người này mượn cớ du học để đến New Zealand cư trú và làm việc bất hợp pháp.
Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về du học nghề New Zealand. Nếu bạn cần tư vấn lộ trình học tập New Zealand phù hợp, hãy liên hệ Koru Education. Chúng tôi sẽ hỗ trợ thiết kế lộ trình du học tối ưu thời gian, tiết kiệm chi phí dành cho bạn.
>>> Khách hàng nói gì về dịch vụ tư vấn du học New Zealand của Koru Education