Chào em! Em có thể giới thiệu về bản thân mình được chứ?
Em tên là Như Thanh, em hiện đang theo học Cử Nhân ngành Kinh Doanh Quốc Tế (Bachelor of Contemporary International Business) tại Học viện IPU, New Zealand. Đầu tháng 4, em vừa bước vào năm 1 và đang trong giai đoạn khám phá “college life” thú vị như thế nào. Trước đó, em học chuyên Ngoại Ngữ tại trường THPT Chuyên Hùng Vương, Bình Dương. Bên cạnh việc học, sở thích của em là tham gia các hoạt động tình nguyện, cụ thể về chủ đề giáo dục, đọc sách, chơi nhạc cụ và du lịch cùng gia đình. Ngoài ra, em rất thích được trò chuyện với các anh, chị, bạn bè truyền cảm hứng và học hỏi nhiều điều từ họ.
Tại sao em lại chọn New Zealand và Học viện IPU?
Trước đây em từng đạt học bổng toàn phần Cultural Exchange 1 năm và một học bổng bán phần do một trung tâm tư vấn du học tổ chức thường niên, và cả hai đều du học Mỹ. Tuy nhiên, khi đó em không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình vì mọi người lo lắng rằng cuộc sống ở Mỹ quá phức tạp so với cô gái chưa lần nào xa nhà như em. Cho đến lần thứ ba khi em thông báo giành được học bổng du học New Zealand thì kết quả hoàn toàn khác, tất cả mọi người đều đồng tình. Bên cạnh chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, New Zealand còn liên tiếp nằm trong top những quốc gia có chỉ số phát triển con người, và chất lượng cuộc sống cao nhất qua các năm. Những yếu tố trên giúp em tin chắc rằng New Zealand xứng đáng là “real love” với mình! Em lựa chọn học viện IPU là “bến đỗ” cho mình vì trường có hai điểm nổi trội trong mắt em. Đầu tiên, so với mặt bằng chung, mức học phí tại IPU không quá đắt, cùng với mức học bổng em đạt được, chúng sẽ làm giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình em. Thứ hai, yêu cầu đầu vào của trường cho học sinh Việt Nam là trên 16 tuổi, tức em không phải tốt nghiệp cấp 3 để có thể đủ điều kiện apply vào trường. Bản thân em có định hướng sẽ học lên cao học, nên việc bắt đầu tiếp cận kiến thức học thuật ở môi trường Đại học sớm hơn theo em sẽ là một lợi thế.
Em đã nhận được học bổng của Học viện IPU như thế nào?
Cuối năm 2019, lần đầu tiên trường IPU tổ chức cuộc thi học bổng tại tỉnh Bình Dương. Với cô gái vốn có ước mơ đi du học như em, dĩ nhiên đây là một cơ hội để thử sức và tích lũy kinh nghiệm không thể nào bỏ qua. Em còn nhớ ngày thi hôm ấy kéo dài gần một ngày do số lượng các bạn tham gia rất đông, hình thức xét tuyển gồm có bài thi Tiếng Anh (Nghe, Ngữ Pháp, Đọc Hiểu, Viết Luận) và buổi phỏng vấn trực tiếp với đại diện trường. Song song với đó, em phải nộp bản bảng điểm gần nhất và bằng IELTS.Học bổng được chia làm 3 loại: $NZ 21,000, $NZ 18,000, và $NZ 9,000. Ngày nhận được kết quả, em rất vui vì mình nằm trong top 3 bạn với số điểm cao nhất trong kì thi, tương ứng mức offer cao nhất.
Được biết dịch bệnh lần này đã làm ảnh hưởng tới kế hoạch du học của em, cụ thể là em đã có một thời gian ở nhà trong khi chờ IPU mở chương trình dạy trực tuyến. Em có thể chia sẻ về cách em giữ vững tinh thần trong thời gian đó là gì không?
Đây có lẽ là câu hỏi đáng mong chờ nhất vì quãng thời gian một năm chờ IPU mở chương trình dạy trực tuyến ( em tạm gọi là “Gap Year”) đã cho em rất nhiều cảm xúc và trải nghiệm đáng nhớ. Trong suốt một năm “Gap Year” ấy, em đã nhận Offer dời lịch khai giảng đến 3 lần do lệnh đóng cửa biên giới của New Zealand. Rất may là em có chị Nhung, tư vấn viên của em tại Koru, luôn bên cạnh để chia sẻ và động viên em mỗi khi em “bồi hồi” đón nhận thông báo trên. Về phía em, em tự nhận thấy mình là cô gái kiểm soát cảm xúc và cuộc sống khá tốt. Em cho phép bản thân mình có những suy nghĩ tiêu cực, vì đây cũng là mảnh ghép không thể thiếu trong tâm lý con người, tuy nhiên không quá lâu. Em sẽ tìm cách lấy lại tinh thần bằng cách tham gia các hoạt động xã hội, đọc sách, gặp gỡ mọi người để tiếp thêm sự tích cực. Ngoài ra, đây chính là thời điểm thích hợp nhất cho em bắt đầu chinh phục một nhạc cụ mới, học ngôn ngữ mới và làm trợ giảng tại trung tâm anh văn để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, em đã tận dụng cơ hội tham gia các khóa học miễn phí ở một số môn em hứng thú do rất nhiều trường đại học hàng đầu thế giới tổ chức.
Em có những lo lắng gì trước khi nhập học chương trình trực tuyến?
Trước khi nhập học trực tuyến, khác với một số bạn, tâm trạng hào hứng và mong chờ hiện hữu trong em nhiều hơn là lo lắng. Nguyên nhân có lẽ là do đã một năm dài em không được ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng nếu có, thì đó chắc chắn là nỗi lo về đường truyền không ổn định, có thể ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như hiệu quả của quá trình dạy và học.Thật may, vấn đề này chỉ xảy ra một lần duy nhất từ đầu học kì đến nay, và tụi em đã được nhà trường dời buổi học sang một ngày khác để đảm bảo chất lượng đường truyền tốt hơn.
Chương trình học trực tuyến được trường hướng dẫn em như thế nào?
Bước đầu tiên, phía nhà trường gửi cho em thông báo về việc học trực tuyến kèm các văn bản ghi rõ thời gian, môn học, giảng viên. Đồng thời, trường IPU ghi rõ không bắt buộc học online đối với tất cả học sinh offshore, thay vào đó học online là một sự lựa chọn. Nếu em đồng ý, thì em sẽ đến bước tiếp theo là ký đơn xác nhận và cam kết tuân thủ những quy định giữa hai phía nhà trường và học sinh. Bước thứ ba, em được mời tham dự “Orientation Day” trước ngày khai giảng một tuần để được các bộ phận hỗ trợ sinh viên và ban giám hiệu giới thiệu chương trình học lại một lần nữa, giải đáp mọi thắc mắc, cũng như cung cấp những thông tin bổ trợ để em có thể chuẩn bị tinh thần tốt nhất trước khi bắt đầu buổi học đầu tiên.
Lịch học hàng ngày của em ra sao?
Múi giờ New Zealand và Việt Nam chỉ cách từ 5-6 tiếng, nên việc chênh lệch giờ giấc không quá khó khăn với em. Một ngày học của em bắt đầu từ 10 giờ 30 phút sáng đến 12 giờ 30 phút từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần với thời khóa biểu như bên dưới:
Thứ 2 | Thứ 3 | Thứ 4 | Thứ 5 | Thứ 6 | |
10h30 – 12h30 | Professional Communication | Intercultural Communication | Intercultural Communication | Professional Communication | Business Economics |
Môn học nào là khó khăn nhất với em và em đã thích ứng như thế nào?
Môn học em cảm thấy cần cố gắng nhiều hơn đó là Business Economics. Kiến thức kinh tế học rất đa dạng, chia thành hai phần chính: Macroeconomics ( Kinh tế vĩ mô) và Microeconomics ( Kinh tế vi mô) trong khi thời gian học online tương đối ngắn. Do đó, để chuẩn bị cho bài học ngày thứ Sáu, thầy sẽ gửi tụi em xem trước bài giảng đã được quay sẵn, để khi vào lớp thầy sẽ hệ thống lại những kiến thức trọng tâm nhất và dành thời gian cho tụi em thảo luận. Đồng thời, thầy cũng kỳ vọng tương ứng với 1 giờ trên lớp, tụi em sẽ dành thêm 4 giờ tự học.
Theo em, các lợi ích và bất cập của việc học trực tuyến?
Đối với em, việc học trực tuyến đem lại hai lợi ích nổi trội. Thứ nhất, phương án học chương trình online từ Việt Nam sẽ giúp em tiết kiệm đáng kể chi phí nhà ở và sinh hoạt. Thứ hai, sau giờ học, em có thể dành thời gian bên gia đình. Ông bà em hiện nay đã lớn tuổi và thời gian bên ông bà có thể cảm nhận là không còn nhiều, nên em rất trân trọng cơ hội này.
Mặc khác, xét về bất cập, một điều khó tránh khỏi là việc học trực tuyến sẽ làm giảm cơ hội tương tác trực tiếp giữa em và các bạn cùng lớp. Để khắc phục được phần nào hạn chế đó, em và các bạn cùng lớp chọn cách kết bạn với nhau trên mạng xã hội.
Phía giảng viên và nhà trường đã có những hỗ trợ gì cho em trong lúc học trực tuyến?
Các thầy cô rất nhiệt tình và luôn khuyến khích tụi em đặt câu hỏi trực tiếp trên lớp hoặc gửi email sau giờ học. Ngoài ra, một điểm em cực kì thích ở IPU đó chính là trường có hai bộ phận Academic Advisor và Student Support để hỗ trợ cả về mặt học thuật lẫn đời sống sinh viên. Mỗi khi cần bất kỳ lời khuyên hay định hướng gì, em đều có thể đặt lịch hẹn với các cô trên Google Meet hàng tuần để trao đổi. Thậm chí, cô Rosie (Academic Advisor của em) còn sẵn sàng dành thời gian buổi tối giúp em chỉnh sửa bài luận khi em tham gia cuộc thi viết luận tổ chức ngoài trường.
Nếu được, em muốn trường cải thiện điểm nào trong việc học trực tuyến?
Nếu có thể, em mong trường sẽ tạo một fanpage trên Facebook chẳng hạn, có tác dụng là môi trường networking mở rộng cho không chỉ riêng các bạn trong lớp em hiện giờ mà tất cả các anh/chị khóa trên đang học trực tuyến có thể giao lưu và tìm hiểu lẫn nhau. Cá nhân em cũng đã đề xuất ý tưởng này với bộ phận Student Support Center cho phần feedback giữa kì vừa rồi.
Thành tích học tập của em rất tốt. Em đã làm gì để đạt được điều đó?
Trong bất kể việc gì, em tin rằng thành công được tạo nên phần lớn là nhờ vào quá trình chuẩn bị kỹ càng. Để đảm bảo một buổi học hiệu quả nhất, em có thói quen dành thời gian tìm hiểu trước bài học dựa trên tài liệu thầy cô upload trên hệ thống trước đó. Mục đích là để kích thích sự tò mò, hứng thú và chủ động định hình kiến thức trong đầu cho bản thân. Nhờ đó, em có thể dễ dàng theo kịp quá trình giảng bài của thầy cô và tích cực đặt câu hỏi trong lớp. Sau mỗi chương học, em thường hệ thống kiến thức bằng Mindmap và sử dụng phương pháp Spaced Repetition xuyên suốt quá trình học.
Em có lời khuyên nào cho các bạn đang cân nhắc việc học trực tuyến không?
Học trực tuyến sẽ tạo cho chúng ta cảm giác thoải mái hơn về mặt giờ giấc, ấy vậy mà đôi khi dễ làm chúng ta thiếu kỷ luật. Hai lời khuyên quan trọng của mình đó là các bạn hãy cố gắng ngủ đủ giấc để giữ cho đầu óc thật tỉnh táo, đồng thời để tránh ” ủa quên..” thì chúng ta nên sử dụng App nhắc nhở trước khi lớp các bạn bắt đầu ít nhất 10 phút. Tuỳ thuộc vào quốc gia bạn theo học mà múi giờ sẽ thay đổi, nên giờ giấc là điều cần phải hết sức lưu tâm nhé các bạn!